Trường Mầm non Phú Cường quan tâm công tác phòng chống bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ

Ngày nay, quan niệm trẻ “mập” mới khỏe, trẻ phải “tròn tròn, mũm mĩm” mới dễ thương hiện khá phổ biến trong một bộ phận lớn người dân cũng như của phụ huynh học sinh. Nhiều người cho rằng trẻ mập để dành khi đau ốm sút cân là vừa. Vì vậy, cố ép trẻ ăn, không tôn trọng cảm giác no của trẻ, lâu dần dạ dày trẻ lớn dần, tạo cho trẻ thói quen ăn nhiều hơn nhu cầu.

Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thừa cân, béo phì gặp cả nam và nữ và các lứa tuổi. Hiện nay, thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Để đánh giá trẻ bị thừa cân, béo phì ngoài việc quan sát hình thể của trẻ thì số đo cân nặng và chiều cao cho phép ta nhận định một cách khách quan khi cân đo theo dõi biểu đồ tăng trưởng: Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: trẻ coi là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ  1 SD <z- score < 2 SD, trẻ béo phì khi số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao > 2 SD.

Nguyên nhân trẻ bị thừa cân, béo phì:

Trẻ bị thừa cân, béo phì chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể, do đó năng lượng  dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức. do đó những trẻ có chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ thừa cân, béo phì. Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt trước khi đi ngủ.

Yếu tố di truyền: trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng, nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hoà chuyển hoá, nhóm gen liên quan đến sự biệt hoá và phát triển tế bào mỡ.  Những trường hợp này thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị thừa cân béo phì.

Ngủ ít cũng được xem như một là một yếu tố nguy cơ cao đối với thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số tác giả cho rằng hoạt động tiêu mỡ của cơ thể đạt tối đa về đêm và ngủ ít làm giảm tiêu mỡ nói chung.

Tác hại của thừa cân, béo phì:

Có tới 30% thừa cân, béo phì ở trẻ em có nguy cơ dẫn đến béo phì khi trưởng thành, cũng như các rối loạn bệnh lý khác liên quan tới béo phì như bệnh đái tháo đường tuýp 2 và thừa cân béo phì cũng liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh túi mật và ung thư. Vì vậy, kiểm soát tốt cân nặng và tối ưu tiềm năng tăng trưởng chiều cao không chỉ giúp trẻ phát triển về thể chất, trí não mà còn tăng cường sức khỏe đặc biệt là phòng chống các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.

Trường Mầm non Phú Cường quan tâm công tác phòng chống bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ:

Nhận thức được việc phòng chống thừa cân, béo phì là việc làm quan trọng và cấp thiết đối với nhà trường khi tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tại trường đang ở mức cao nhất so với các trường mầm non, mẫu giáo trong huyện (nhà trẻ 0-2 tuổi 6%, mẫu giáo 3-5 tuổi 13,36%). Trong thời gian qua, nhà trường đã quan tâm thực hiện theo kế hoạch giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì và vấn đề này cũng được đưa ra bàn bạc, thảo luận trong hội nghị cán bộ công chức nhằm khắc phục và giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đến cuối năm học. Thực tế, nhà trường đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trẻ thừa cân, béo phì như: Cho trẻ thừa cân, béo phì có chế độ ăn riêng, giảm lượng thực phẩm đạm, béo, tăng cường cho trẻ ăn rau, củ, quả một cách hợp lý; tổ chức cho trẻ thường xuyên tham gia các vận động, rèn luyện thể chất, các bài tập thể dục, các trò chơi đá bóng, ném bóng, kéo co, nhảy bao bố… Tổ chức tuần lễ sức khỏe trong trường mầm non. Tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền đến phụ huynh về phòng chống bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ như tuyên truyền qua bản tin, qua loa phát thanh, qua trao đổi trực tiếp với giáo viên ở lớp, trực tiếp với ban giám hiệu và nhân viên y tế trường học.

Tham gia tuần lễ sức khỏe trong trường mầm non "đồng diễn thể dục".

Tham gia tuần lễ sức khỏe trong trường mầm non “đồng diễn thể dục”.

Trò chuyện với cô cấp dưỡng về thực phẩm - dinh dưỡng

Trò chuyện với cô cấp dưỡng về thực phẩm – dinh dưỡng

Tham gia trò chơi kéo co

Tham gia trò chơi kéo co

Công tác phòng chống thừa cân, béo phì nếu chỉ thực hiện tại nhà trường mà không có sự phối hợp từ phụ huynh thì hiệu quả đạt được sẽ không cao. Vì thề Nhà trường tổ chức buổi tuyên truyền thừa cân, béo phì ở trẻ em cho các phụ huynh và trẻ thừa cân, béo phì của nhà trường. Với sự tham gia của cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học, nhân viên nấu ăn và đặc biệt là sự tham dự của phụ huynh có con thừa cân, béo phì và các cháu thừa cân, béo phì của trường cùng tham dự. Nhà trường cũng đã cho phụ huynh và trẻ xem video phóng sự thông tin về thừa cân, béo phì ở trẻ em: nguyên nhân – cách phòng chống. Ông Nguyễn Văn Đa – Nhân viên y tế trường học thông qua nội dung bài viết của Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Thị Thu Hương – Viện dinh dưỡng quốc gia về phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ. Qua nội dung bài cũng nêu lên được nguyên nhân thực trạng và hậu quả của việc thừa cân béo phì của trẻ nhỏ hiện nay. Bên cạnh đó cũng nêu lên được các giải pháp phòng chống trẻ thừa cân, béo phì. Trong buổi tuyên truyền phụ huynh rất quan tâm đến việc trẻ bị thừa cân, béo phì, phụ huynh cũng nhận ra những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ giống như những thông tin và phóng sự đã nêu. Trao đổi và chia sẻ cùng phụ huynh cùng với nhà trường những biện pháp giảm cân hiệu quả và khoa học. Đối với trẻ, sau khi được xem phóng sự, xem phim hoạt hình về bệnh thừa cân, béo phì cũng đã ý thức được bản thân không nên ăn quá nhiều thức ăn, không uống quá nhiều sữa, không ăn quà bánh nhiều và tăng cường luyện tập thể dục cùng cô tại trường và cùng ba mẹ tại nhà.

Tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống thừa cân,  béo phì ở trẻ em.

Tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống thừa cân,
béo phì ở trẻ em.

Thừa cân béo phì là một bệnh, mà đã là bệnh thì phải điều trị, chế độ ăn uống và vận động hợp lý là chìa khóa trong công tác điều trị căn bệnh này. Để phòng và điều trị hiệu quả thừa cân béo phì, các bậc cha mẹ cần thay đổi quan niệm về sức khỏe của trẻ, trẻ khỏe là trẻ phát triển cân đối, có chiều cao cân nặng trong giới hạn bình thường theo tuổi, không suy dinh dưỡng cũng không thừa cân béo phì vì cả 2 căn bệnh này đều không tốt cho sự phát triển của trẻ. Qua sự cố gắng, nỗ lực của nhà trường trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống, giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tại Trường Mầm non Phú Cường giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về hậu quả của trẻ bị béo phì và đồng hành phối hợp với nhà trường thực hiện các giải pháp trong việc giảm tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở nhà trường cũng như tại gia đình.

Nguyễn Thị Lời – PHT MN Phú Cường