I.Vì sao nên dạy kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non?
– Gia đình là môi trường an toàn cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên theo thời gian trẻ cũng phải bắt đầu rời xa vòng tay của ba mẹ để hòa nhập với trường học, xã hội và tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau. Rất nhiều những mối nguy hiểm ngoài kia như vấn nạn: xâm hại tình dục, bắt cóc, trẻ bị lạc, trẻ tự ý chạy ra đường gây tai nạn giao thông,…khiến không ít phụ huynh vô cùng lo lắng.
Bên cạnh đó, bố mẹ không thể lúc nào cũng ở bên trẻ 24/24 vì vậy cần dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân để trẻ nhận thức về những mối nguy hiểm hay các đối tượng nguy hiểm. Chính vì vậy, những kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non ngoài được giáo viên cung cấp kiến thức ở trường, trẻ cũng cần được bố mẹ chia sẻ thật sớm để trẻ tự tin và an toàn khám phá thế giới muôn màu xung quanh.
II. Một số kỹ năng bé cần biết để bảo vệ bản thân
1. Không ai được chạm vào vùng kín cơ thể
– Hãy cho trẻ biết ngoại trừ bố mẹ khi giúp trẻ tắm rửa hay bác sĩ, y ta khi thăm khám cho trẻ, còn lại không ai được tùy tiện chạm vào cơ thể trẻ, đặc biệt là những vùng nhạy cảm.
– Hãy dạy trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân khi bị xâm phạm cơ thể như la lớn, bỏ chạy đến chỗ đông người và phải tin tưởng nói với ba mẹ khi có chuyện gì xảy ra để ba mẹ bảo vệ bé.
– Dạy cho trẻ quy tắc 5 ngón tay:
+ Ngón cái – gần mình nhất – tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm, thay quần áo trong phòng kín.
+ Ngón trỏ – tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Song chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào “vùng đồ bơi”, bé sẽ hét to và gọi mẹ.
+ Ngón giữa – người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này, bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.
+ Ngón áp út – người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu. Với những người này, bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
+ Ngón út – ngón tay xa bé nhất – thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an. Với những người này, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Quy tắc này sẽ giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình
2. Kỹ năng ứng phó với người lạ
-Tuyệt đối không được mở cửa cho người lạ khi người lớn không có ở nhà.
-Trẻ con dễ bị dụ dỗ bởi những món quà ngay trước mắt, vì vậy cần dạy con biết cách nói không với các món quà hay nhận bất cứ thứ gì từ người lạ.
3.Kỹ năng ứng xử khi bị lạc
Khi đến những nơi công cộng hoặc những nơi đông người phải nắm chặt tay bố mẹ. Dạy trẻ nếu bị lạc phải đứng yên một chỗ chờ bố mẹ, người thân đến đón. Ngoài ra, hãy giúp con thuộc lòng số điện thoại của ba mẹ, địa chỉ nhà để khi bị lạc dạy con tìm chú bảo vệ, chú công an để gọi điện cho bố mẹ, người thân.
4. Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông
Dạy bé biết một số loại biển báo cơ bản, đi bộ trên vỉa hè, luôn đi bên phải, cách sang đường khi qua các ngã ba, ngã tư…
III. Làm thế nào để dạy kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non đơn giản và dễ hiểu?
Trên thực tế, trẻ mầm non hầu hết trẻ chưa phân biệt được những gì là nguy hiểm hay không nguy hiểm đối với mình. Chính vì vậy chúng ta nên giúp trẻ phân biệt những mối nguy hiểm chúng ta có thể lồng ghép vào để giáo dục trẻ qua những câu chuyện, qua hoạt động học, qua tranh ảnh, video…Để việc giáo dục trẻ kỹ năng tự bảo vệ được tốt hơn.
Bên cạnh đó, Sử dụng trò chơi đóng kịch để giúp trẻ hiểu được những tình huống và cách giải quyết tình huống. Từ những tình huống giả định, ba mẹ sẽ cùng trẻ tham gia vào tình huống đó, ví dụ tình huống: có người lạ đến gõ cửa, người lạ cho quà bánh…từ đó trẻ sẽ khắc sâu những kiến thức ba mẹ muốn truyền đạt.
Ngoài ra, trẻ còn quá nhỏ sẽ khó thể tập trung tiếp thu trong tình trạng bị ép buộc. Thay vào đó, hãy thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ thật nhẹ nhàng. Hãy tạo tâm lý thoải mái, để trẻ chia sẻ những điều thắc mắc và lo lắng trong lòng mình. Khi trẻ sai, nên kiên nhẫn giải thích, thay vì quát mắng trẻ.
Trên đây là những kỹ năng rất cần thiết cho trẻ, phụ huynh có thể áp dụng để giáo dục trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân tốt hơn./.
Nguyễn Thị Tánh – MG Ánh Dương (sưu tầm).