Tổ chức hoạt động “Tuần lễ sinh hoạt học đường” là giải pháp quan trọng trong hoạt động giáo dục nhằm giúp học sinh, học viên làm quen với môi trường giáo dục mới, với thầy cô giáo, bạn bè, điều kiện học tập, phương pháp giáo dục và cách đánh giá kết quả giáo dục trong nhà trường. Giúp xây dựng mối quan hệ giữa các khối, lớp trong nhà trường; tạo tình cảm, niềm tin của học sinh đối với trường, lớp, thầy cô và bạn bè trong môi trường học tập, rèn luyện thân thiện, tích cực và hiệu quả.
Thông qua các hoạt động tập thể để nâng cao nhận thức của học sinh về truyền thống của nhà trường; tiếp cận với các điều kiện về cơ sở vật chất, điều lệ, quy
chế, nội quy, quy tắc ứng xử và các quy định khác liên quan của nhà trường, để học
sinh hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức được trách nhiệm của mình; rèn luyện một số kỹ năng cần thiết khi bước vào năm học mới, trong môi trường học tập mới.
Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý học sinh, gắn với thực tế của địa phương; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp học, phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; tránh việc tổ chức máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức gây quá tải cho
học sinh.
Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học
sinh, gắn với các hoạt động xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường học thân thiện,
học sinh tích cực.
Thực hiện xã hội hóa giáo dục, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp của đại diện Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương, đại diện các thế hệ học
sinh của trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Hiệu trưởng các trường quán triệt và chỉ đạo việc triển khai tổ chức các hoạt động đầu năm học đến cán bộ, giáo viên và nhân viên trong đơn vị. Tùy theo kế hoạch của mỗi trường, các hoạt động này có thể tổ chức ngay sau khi học sinh tựu trường hoặc trong thời gian chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Cần nhận thức rõ đây là hoạt động rất cần thiết, có ảnh hưởng đến học tập, rèn luyện các kỹ năng sống, thói quen làm việc nề nếp của học sinh để chỉ đạo giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng.
Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đầu năm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đặc điểm của địa phương và đối tượng học sinh; quán triệt, phân công cụ thể cho các Phó Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong, Ban đại diện cha mẹ học sinh; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương để tổ chức các hoạt động có hiệu quả.
Các Trường có thể biên soạn các nội dung cần phổ biến, tìm hiểu, hoạt động thành tài liệu, tờ rơi để tuyên truyền, phổ biến đến học sinh và cha mẹ học sinh; đồng thời làm tài liệu để giáo viên hướng dẫn học sinh trong học tập và sinh hoạt.
Các trường THCS tham gia triển khai mô hình trường học mới cần báo cáo các cấp lãnh đạo của địa phương; tuyên truyền và phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình trường học mới ở THCS đến học sinh và cha mẹ học sinh; đảm bảo tốt điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện triển khai mô hình.
Phối hợp với các đoàn thể, mặt trận tổ quốc, hội khuyến học trên địa bàn và Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động tối đa học sinh đến trường đồng thời hỗ trợ học sinh khó khăn đến trường, nhà trường tăng cường sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh khó khăn mượn ngay đầu năm học nhằm thực hiện tốt tinh thần “ba đủ”. Không để học sinh nghỉ học do học yếu và khó khăn về kinh tế.