Năm học 2016-2017, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ của các trường mầm non và tiểu học để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học dù có sự quan tâm nhưng chưa thực sự hệ thống, sự kết nối giữa hai bậc học chưa chặt chẽ. Bên cạnh một số đơn vị tổ chức tốt thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các bước ngay từ đầu năm đến cuối năm học
Nhiều nơi, phụ huynh học sinh chưa hợp tác tốt trong các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là việc tổ chức đưa trẻ tham quan trường tiểu học. Phụ huynh vẫn còn đặt nặng việc con mình phải biết đọc chữ, viết chữ trước khi vào lớp một hơn là quan tâm trẻ sẽ như thế nào khi bước vào một môi trường mới. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con mà chỉ phó mặc cho giáo viên, do vậy không tạo ra được sự thống nhất trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường, dẫn đến việc chuẩn bị các nội dung cho trẻ vào lớp 1 còn hạn chế.
Bên cạnh đó do một số điểm trường mầm non, mẫu giáo cách xa trường tiểu học nên nhà trường chưa có nhiều điều kiện tốt để đưa trẻ đến tham quan mà chủ yếu là quan sát thông qua hình ảnh.
Nguyên nhân là nhiều Hiệu trưởng trường mầm non chưa xây dựng đầy đủ các kế hoạch ngay từ đầu năm học để thực hiện việc quản lý sự thay đổi để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.
Một số phụ huynh chưa quan tâm đến tầm quan trọng của giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học. Bên cạnh đó, một số đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền đến PHHS về nội dung quản lý sự thay đổi để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhận thức của một số ít giáo viên về nhận diện giai đoạn chuyển tiếp để hỗ trợ trẻ chưa đầy đủ, ngại thay đổi, sợ thêm việc.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, trong thời gian tới Phòng Giáo dục và Đào tạo Tam Nông tập trung thực hiện các giải pháp như:
Tiếp tục chỉ đạo hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo chủ động xây dựng đầy đủ các kế hoạch ngay từ đầu năm học để thực hiện việc quản lý sự thay đổi để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.
Chỉ đạo, hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và TH&THCS chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, dự giờ, tham quan giữa 2 bậc học đối với giáo viên, học sinh nhằm góp phần thực hiện tốt việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.
Quản lý thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong trường mầm non, trường tiểu học và chỉ đạo trường tiểu học xây dựng môi trường giáo dục trẻ thích hợp (XD môi trường gần gũi với trường MN: trang trí lớp, cảnh quang gần giống trường MN nhằm tạo sự kết nối, giúp học sinh không bị bở ngỡ khi vào lớp một).
Chỉ đạo Hiệu trưởng trường mầm non và tiểu học phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ trẻ giai đoạn chuyển tiếp. Triển khai hiệu quả các hoạt động như: thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khai thác tốt chủ đề trường tiểu học, đảm bảo mối liên hệ thường xuyên với trường tiểu học, chủ động phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ; tổ chức các hoạt động như tham quan trường tiểu học, gặp gỡ với giáo viên dạy lớp một và học sinh lớp một, cho trẻ làm quen với đồ dùng, dụng cụ học tập của anh chị lớp 1.
Tổ chức các buổi họp PHHS ít nhất 3 lần/năm; kết hợp tuyên truyền, tư vấn cho PHHS về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Tích cực tuyên truyền để cha mẹ trẻ biết và không gây áp lực cho trẻ trước khi vào lớp một phải biết chữ, không cho con học trước chương trình lớp một.
Hiệu trưởng trường tiểu học, trường TH&THCS cần trang bị những kiến thức cơ bản về hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở trường MN (cho trẻ em 5 tuổi) cho giáo viên dạy lớp 1 nhằm giúp giáo viên có những kiến thức cơ bản về chương trình GDMN;
Tạo dựng môi trường học tập, hoạt động để giúp trẻ thích nghi, hào hứng trong học tập, tiếp thu tốt chương trình giáo dục tiểu học để trẻ phát triển hài hòa. Phối hợp chặt chẽ với trường mầm non trong quá trình giáo dục trẻ, đảm bảo tính liên thông giữa 2 cấp học. Chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ.
Chủ động đưa giáo viên dạy lớp một đến thăm trường mầm non để giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi và giáo viên lớp một trao đổi với nhau về chương trình GDMN và chương trình lớp một nhằm các giáo viên hiểu được nội dung, phương pháp thực hiện chương trình ở mỗi cấp học.
Thiết nghĩ, với sự nổ lực và đồng thuận cao của CBQL, giáo viên và phụ huynh học sinh, bằng những giải pháp đồng bộ sẽ giúp trẻ bước vào lớp 1, môi trường học tập mới với nhiều niềm vui mới./.
Thúy Hằng.