Từ khi có chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện, Phòng GDĐT đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện đưa nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện giai đoạn và hàng năm, Đề án phát triển Giáo dục và Đào tạo của huyện giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, Nghị quyết của chi bộ và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của Phòng GDĐT hàng năm. Phòng GDĐT tham mưu UBND huyện thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia, thành lập các đoàn kiểm tra công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia theo quy định.
Phòng GDĐT xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, hướng dẫn, chỉ đạo các trường học căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị và lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện, xây dựng kế hoạch thực hiện tại đơn vị, đồng thời thường xuyên khảo sát, đánh giá thực trạng về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị trường học,.. đối với từng tiêu chuẩn, tiêu chí, từng cấp học, xác định mục tiêu ưu tiên để đầu tư và hoàn thiện chuẩn. Trong suốt quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại các đơn vị, Phòng GDĐT luôn theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện nhằm đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai, việc đầu tư xây dựng và duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia càng nhận được sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương, nhất là các xã đã và đang thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các nội dung đều có sự chuyển biến rõ nét:
– Qua 20 năm thực hiện chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Tam Nông cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Các bậc học phát triển cân đối, hệ thống trường lớp được quy hoạch, bố trí khá hợp lý, thuận tiện cho việc đến trường của học sinh. Toàn huyện hiện có 55 trường, tăng 02 trường so với năm 1997.
– Chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học, tiếp cận mặt bằng chung của tỉnh, ngành giáo dục huyện thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, chỉ đạo các trường học đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của học sinh. Trong dạy học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng đến tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế.
– Đội ngũ được huyện quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cử và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Đến năm 2017, toàn huyện có 1.623 công chức, viên chức, trong đó về trình độ đào tạo: có 45 thạc sĩ, đại học là 964 người, cao đẳng là 355 người, trung cấp là 170 người và đang học trung cấp là 89 người. Ngoài ra, có 125 người đang học nâng cao trình độ chuyên môn từ cao đẳng đến thạc sĩ.
– Cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục công lậpđược quan tâm đầu tư bằng ngân sách của Nhà nước. Trong 20 năm qua, Phòng GDĐT tham mưu UBND huyện, Sở GDĐT đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới 92 trường, điểm trường với 601 phòng học, 317 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ; với tổng kinh phí sửa chữa trên 70 tỷ đồng, xây dựng mới trên 336 tỷ đồng. Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, căn cứ vào các quy định của tỉnh và điều kiện thực tế của địa phương, Huyện kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về đất đai, vốn để hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Dự kiến năm 2018, có 01 dự án đầu tư là Trường MN Minh Đức Tam Nông với vốn đầu tư hơn 43 tỷ đồng.
Hiện huyện đã có 16/55 đơn vị trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 28,8% (Bậc học Mầm non 5/18, Tiểu học 6/27, THCS 5/10), dự kiến năm 2018, huyện đề nghị UBND tỉnh kiểm tra công nhận 02 trường (Trường MG An Hòa, TH An Long A). Phấn đấu đến cuối năm 2018, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 18/55 trường, tỷ lệ 32,7%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn bộc lộ một số tồn tại sau:
– Các trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn đầu như Trường TH Tràm Chim 2, THCS An Hòa không đảm bảo duy trì về tiêu chí cơ sở vật chất. Mặc dù đã tích cực tham mưu các cấp đưa vào các danh mục đầu tư giai đoạn, kế hoạch nông thôn mới nhưng đến nay các Trường THCS An Hoà, TH Tràm Chim 2 vẫn chưa được đầu tư các hạng mục còn nợ khi đã đạt chuẩn quốc gia.
– Công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia theo từng giai đoạn còn chậm, còn bị động về kinh phí, nhất là việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi theo quy định.
– Kinh phí đầu tư cho công tác duy trì chuẩn quốc gia còn nhiều hạn chế do huyện phải dành kinh phí tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cho các giai đoạn tiếp theo.
– Một số trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn còn thiếu cơ sở vật chất như diện tích sân chơi, các phòng chức năng và phục vụ học tập… gây khó khăn trong công tác duy trì và phấn đấu đạt chuẩn ở mức độ cao hơn.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Đào tạo tam Nông đặt ra mục tiêu chung là củng cố, giữ vững và phát triển về số lượng, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, ngành học. Cụ thể:
+ Ngành học Mầm non: Đến năm 2025, có 50% tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ I, có 02 trường đạt chuẩn mức độ II.
+ Cấp Tiểu học: Đến năm 2025, có trên 50% tổng số trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ I, có ít nhất 01 trường đạt chuẩn mức độ II.
- Cấp THCS: Đến năm 2025, có 70% tổng số trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Với sự đồng thuận và quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, tin tưởng rằng huyện Tam Nông sẽ đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của địa phương./.
Vĩnh Hưng