Để giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh hiệu quả

Những năm gần đây, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học (gồm cả THCS và THPT) đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết.


Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: LONG THÀNH

Những kết quả bước đầu

Theo TS Vũ Ðình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo), những năm qua, hệ thống các văn bản về giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học đã được ban hành khá đầy đủ. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhất là triển khai thí điểm các mô hình nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương như: mô hình trường học – nông trường chè, trường học – nông trường mía, trường học – nông trường cam tại Tuyên Quang, Hòa Bình; trường học – vườn đào, trường học – du lịch ở Lào Cai, Hà Giang; trường học – trải nghiệm ở Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ,…

Sự gắn kết các hoạt động giáo dục với thực tiễn đã mở ra một phương thức giáo dục hướng nghiệp mới. Một số trường trung học tại Bắc Ninh, Hưng Yên liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm. Trong khi đó, một số trường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Ðồng, Kiên Giang, Hòa Bình, Cần Thơ… có chương trình trải nghiệm cho học sinh tại các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống. Nhiều trường phổ thông đã chủ động phối hợp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong công tác giáo dục hướng nghiệp; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với các hoạt động tư vấn tuyển sinh.

Không chỉ trong các hoạt động giáo dục, thực tiễn những năm qua, việc lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Một số địa phương đã mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của học sinh. Thay vì tiếp tục học lên THPT (đối với học sinh tốt nghiệp THCS) hoặc đăng ký tuyển sinh đại học (đối với học sinh tốt nghiệp THPT), tỷ lệ học sinh đăng ký học nghề từ cấp THCS và THPT có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Năm học 2016 – 2017 học sinh tốt nghiệp THCS thi lên THPT khoảng 76%, vào học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp khoảng 7%, vào trung cấp chuyên nghiệp khoảng 3%, trung cấp nghề khoảng 5%, đi làm khoảng 9%. Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng khoảng 41%; vào cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề khoảng 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%.

Ðồng bộ các giải pháp

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học còn bất cập, nhất là cơ chế, chính sách còn nhiều tồn tại, chậm được đổi mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, trong khi tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề.

Ðể đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Ðối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cần hiểu rõ về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng. Theo đại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo Cần Thơ, trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần giúp học sinh hiểu lao động trong lĩnh vực nào cũng cần thiết, được tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng nếu có tay nghề cao, làm việc hết mình. Mặt khác, ngành giáo dục cần phối hợp các ngành, đơn vị, mở rộng các mô hình vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh (chú trọng ở bậc THPT), để sau ba năm, học sinh vừa tốt nghiệp học văn hóa, vừa có một nghề với chuyên môn kỹ thuật phù hợp để vào đời. Một số chuyên gia giáo dục nhìn nhận, việc hướng nghiệp và phân luồng là hoạt động đa dạng và phức tạp cho nên cần phát huy tính chủ động của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông; tăng cường xã hội hóa trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

TS Vũ Ðình Chuẩn cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng để cung cấp dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai, giúp học sinh và phụ huynh có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp. Ngành giáo dục cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Nhất là ban hành tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ quan quản lý giáo dục, các trường trung học trong việc hướng nghiệp, phân luồng. Phát triển đội ngũ giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, trang bị đủ kiến thức, kỹ năng trong hoạt động tư vấn, có phương pháp tư vấn hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Ðầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, hướng nghiệp và tổ chức tốt cho học sinh tham quan, hoạt động ngoại khóa. Ðẩy mạnh sự tham gia của cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp nhằm tăng tính thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang tích cực xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục, đồng thời có các hoạt động giáo dục hướng nghiệp riêng. Qua đó, góp phần phân luồng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

MẠNH XUÂN và GIANG SƠN

(Báo Nhân dân)